⚕️Xét Nghiệm Viêm Gan C Thế Nào
Viêm gan C là một trong những bệnh về gan có số người nhiễm hàng đầu trên thế giới và cũng là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm nhất. Nếu không được điều trị, 25% người bệnh viêm gan C mãn tính biến chứng thành xơ gan sau 20-30 năm. Trong đó, 30% tiếp tục biến chứng sang ung thư gan sau 10 năm.
Triệu chứng viêm gan C (Ảnh minh họa)
HCV có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 12 tuần (trung bình là 40 ngày). Bệnh diễn biến thầm lặng, chỉ xuất hiện những triệu chứng không rõ rệt ở 20% người bệnh. Nếu bạn cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu sau đây, rất có thể cơ thể bạn đã bị Viêm gan C:
➢ Mệt mỏi, uể oải.
➢ Chán ăn, buồn nôn.
➢ Vàng da, vàng mắt.
➢ Đau vùng bụng trên, phía bên phải.
Các xét nghiệm chuẩn đoán viêm gan C
Để xác định những bất thường ở gan có xảy ra không và chính xác có phải do viêm gan C hay không, thông thường cần kết hợp những loại xét nghiệm viêm gan C như sau:
1. Xét nghiệm men gan
Hai chỉ số men gan thông thường được sử dụng trong xét nghiệm này là ALT và AST. Đây là 2 loại men có trong tế bào gan. Nếu gan của bạn bị tổn thương, các tế bào gan bị phá hủy thì các loại men gan này sẽ bị giải phóng ra ngoài làm gia tăng nồng độ men gan trong máu. Chỉ số trung bình của mỗi loại men gan này là từ 20-40UI/L. Giá trị này càng tăng, thường là từ 2 lần trở lên là báo hiệu cho những bất thường ở chức năng gan, 1 trong những nguyên nhân đó có thể do virus viêm gan C.
2. Xét nghiệm anti-HCV
Anti-HCV là kháng thể do cơ thể tạo ra để chống lại những thành phần cấu tạo của virus HCV cũng như sản phẩm phụ trong quá trình nhân lên của virus.
Việc xác định anti-HCV (+) không có nghĩa là người bệnh đã miễn dịch với virus HCV, mà chỉ số (+) trong xét nghiệm này khẳng định rằng người bệnh đã hoặc đang nhiễm virus HCV. Vì viêm gan C là bệnh mãn tính, tự bản thân hệ miễn dịch của cơ thể không thể tạo ra kháng thể có đủ sức tiêu diệt virus HCV, kết hợp với quá trình hoạt động, xâm nhập và gây hại phức tạp của virus càng khiến cho việc tự miễn dịch của cơ thể chỉ xảy ra với khả năng thấp.
Trường hợp khi xét nghiệm anti-HCV (-), cần xét nghiệm lại sau từ 2-3 tháng để tránh trùng vào khoảng thời gian ủ bệnh của virus, khiến cho việc phát hiện kháng thể được chính xác.
3. Xét nghiệm HCV-RNA
Để khẳng định chắc chắn người bệnh có nhiễm HCV hay không, việc xét nghiệm định tính HCV-RNA là cần thiết.
Xét nghiệm định lượng HCV-RNA được thực hiện trước và định kỳ trong suốt thời gian điều trị nhằm biết được tải lượng virus thay đổi thế nào, tăng hay giảm để đánh giá hiệu quả của việc điều trị.
4. Xét nghiệm xác định genotype
Phân tử di truyền của virus HCV là RNA nên trong quá trình thực hiện sao chép mã di truyền của virus, rất dễ xảy ra sai sót nên virus sẽ thường xuyên bị đột biến. Theo ước tính trên thế giới có 6 genotype virus HCV phổ biến nhất là từ 1 đến 6. Trong đó phổ biến nhất ở Việt Nam là chủng 3 và 6.
Việc xác định genotype nhằm xác định chính xác chủng đột biến của virus HCV để từ đó có những phác đồ điều trị phù hợp cho từng chủng virus.
Việc kiểm tra cần kết hợp nhiều hạng mục xét nghiệm để đánh giá chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh (Ảnh minh họa)
Làm gì khi biết mình mắc bệnh viêm gan C
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng người bệnh có nghi ngờ hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm gan C cần đến ngay các trung tâm y tế, phòng khám chuyên gan để được khám bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết.
Xét nghiệm viêm gan C được cho là việc làm cần thiết để phát hiện và kết luận chính xác nhất về tình trạng bệnh. Khi có kết quả mình mắc bệnh viêm gan C thì cần tiến hành điều trị ngay, tránh để bệnh diễn biến xấu đi.
Trong quá trình điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về điều trị có thể dẫn đến điều trị sai, làm bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Việc điều trị viêm gan C là một quá trình lâu dài vì vậy đòi hỏi người bệnh phải có sự kiên trì và niềm tin để đạt được hiệu quả cao nhất.
Viêm gan C hiện nay chưa có vacxin đặc hiệu để phòng ngừa, cũng chưa có thuốc tiêu diệt hoàn toàn virus khỏi cơ thể nên được xem là một căn bệnh mãn tính. Điều cần thiết đối với tất cả mọi người đó là kiểm tra sức khỏe và kiểm tra chức năng gan định kỳ thường xuyên nhằm phát hiện ngay những bất thường từ đó xác định chính xác nguyên nhân thông qua các xét nghiệm kết hợp. Vệc điều trị có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc tùy thuộc từng trường hợp và phải có chỉ định của bác sĩ điều trị.